Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

LUÂN LÝ

Luân lý là những quan điểm nhân sinh quan về đạo lý của con người nói về đạo đức, lương tâm và các nhân đức mang tính triết lý cao sâu về mối quan hệ giữa người với người, giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với vạn vật sinh linh. Những luân lý được thể hiện qua những ca dao, tục ngữ, thành ngữ, những nghi thức, nghi lễ như Nhân – Lễ - Nghĩa – Trí – Tín, Công – Dung – Ngôn – Hạnh… răn dạy con người trong mọi khía cạnh cuộc sống: thờ cha kính mẹ, tôn sư trọng đạo, tôn ti trật tự, trên dưới thuận hoà, tình làng nghĩa xóm, cách ăn nếp ở, tình nghĩa vợ chồng, phu thê phụ tử, tình yêu đôi lứa, bạn bè thân thích, vạn vật thiên nhiên…
Những quan điểm này phụ thuộc vào không gian và thời gian, nó mang tính lịch sử của dân tộc và đất nước. Ở mỗi sắc tộc, mỗi dân tộc, mỗi cá nhân, mỗi địa phương đều có luân lý riêng cho mình để sống với nhau, đối xử với nhau và với vạn vật sinh linh.
Từ khi cái đức tự nhiên trong con người bị suy thoái, lệch lạc, thậm chí là mất đức đã nảy sinh ra luân lý. Luân lý ra đời được đúc kết bởi những đúng sai của con người để răn dạy, chỉ bảo con người biết định hướng từ suy nghĩ, việc làm cho đúng với cái đức tự nhiên của con người.
Luân lý như chiếc áo khoác lên cái tâm, mùa đông thì ấm, mùa hạ thì mát, nó thay đổi, biến hoá cho phù hợp với quan niệm sống của từng thời đại. Luân lý gọt giũa, tu dưỡng cái tâm, cái tánh, làm cho mỗi suy nghĩ, mỗi lời nói và mỗi việc làm của con người đều hướng thiện. Luân lý là kim chỉ nam cho con người trong suy nghĩ, lời nói và hành động. Luân lý luôn luôn hướng thiện, hướng tới cái đẹp, cái nhân văn. Trong mỗi hoàn cảnh phải tuỳ theo luân lý mà hành xử.
Từ khởi nguyên không có luân lý, khi con người nảy sinh tồn tại nhận thức ý thức hệ về đối nhân xử thế, thiên nhiên vạn vật thì nảy sinh luân lý. Luân lý không ép buộc, không kết án, mà luôn cảnh thức lương tâm con người tránh ác quy thiện, chan hoà yêu thương.
Luân lý là ngọn đuốc soi cho con người nhìn thấy cái chính tâm của mình thiện hay ác, soi sáng cho những hành động của tâm, nó uốn nắn, sửa chữa, tu dưỡng cái tâm cá nhân, tập thể để cho tâm mỗi ngày một sáng, thiện tâm, giúp cho suy nghĩ được toả sáng ý tưởng, ngôn lời tao nhã, hành động phù hợp trong từng thời gian không gian, thuận hoà vạn vật đất trời, chỉ đường dẫn lối cho người lạc bước vong ân trở về đường ngay nẻo chính. Người hiểu biết sâu rộng và thực hành luân lý một cách đúng đắn tâm luôn sáng, hành xử đúng đắn, chu toàn bổn phận với mình với người và với thiên nhiên, nhận biết được mình và vạn vật, phân biệt được thiện với ác, trọng nghĩa kinh tài, tư tưởng lời nói việc làm quy hướng về thiện, việc làm phúc đức; đối với người thì yêu thương tha thứ, bao dung, độ lượng, khiêm hạ từ tốn, bác ái phục vụ, cho đi mà không mong nhận lại, không giận hờn ghen ghét, không oán thù tiêu diệt, không mưu đồ ám hại, không vi phạm đến đất, không trịch thượng với trời, không tổn hại thiên nhiên.
Luân lý như sợi vải sợi tơ dệt nên tấm vải dải tơ, may thành cái áo cái mũ, tạo nên nhân cách của con người; nhân cách được thể hiện trong đời sống thường ngày từ cách ăn cách ở cách mặc, cách đối xử nói năng, cách đi đứng, phong cách làm việc, vai trò vị thế… Luân lý soi tỏ cái tâm, luân lý lệch lạc thì tâm mù quáng.
Một con người không thể lấy tất các luân lý làm lẽ sống cho riêng mình, người giảng dạy thì lấy luân lý người thày; người thương buôn lấy luân lý của kinh doanh mà sinh hữu ích; người cầm quyền lấy luân lý dân làm gốc mà trị vì… Luân lý lệch lạc che mờ cái tâm, hướng tới cái ác, tìm đến sự diệt vong. Những luân lý hỗ tương cho nhau để con người hoàn thiện. Biết chắc chắn nhiều về luân lý sẽ đạt tới cái đức tự nhiên, quy về cái đạo trời.
Luân lý riêng cho vạn vật, gió có luân lý của gió: khi gió di chuyển tạo thành tiếng kêu, gió chuyển động mạnh tạo thành giông, thành bão; luân lý của cây thi chịu đựng: khi gió đến thì cây ngả nghiêng. Luân lý của người có nhiều góc cạnh: Luân lý của thiện tâm thì như đuốc sáng, uốn nắn, răn dạy… luân lý của tà tâm thì cuồng loạn, lệch lạc, chiếm đoạt, hưởng thụ… như việc nạo hút phá thai đã diễn ra công khai hợp pháp. Có thể dùng biện pháp tránh thai để không tạo nên sự sống chứ không hợp tác giết chết sự sống. Luân lý thay đổi này hướng đến sự hưởng thụ truỵ lạc, những luân lý sống thử, sống tiền hôn nhân v,v… đã làm mất đi cái nhân phẩm con người. Luân lý hình thành không văn tự nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ trong tâm trí con người đó là tôn ti trật tự trong gia đình, dòng họ, xóm làng, đất nước… biết đi thưa về trình, gọi dạ bảo vâng; ra đường không ngả nón cúi chào người trên, hỏi thăm người dưới.
Không có luân lý như người không mặc áo quần, hiểu biết  luân lý mà không thực hành giống như người lấy vải mà quấn quanh mình, lấy luân lý làm khuôn vàng thước ngọc cho đời sống của mình giống như người mặc áo quần của người thợ may giỏi. Bóp méo luân lý thì như người mặc áo quần diêm dúa vậy.
Gia đình có luân lý thì trên thuận dưới hoà, vợ chồng hạnh phúc, con cái yêu thương đùm bọc lẫn nhau, nề nếp gia phong; dòng tộc có luân lý thì tôn ti trật tự, kính trên nhường dưới; xã hội có luân lý thì không có áp bức bóc lột, đất nước bình yên người dân ấm no hạnh phúc,
Có luân lý thì thiện thâm, vô luân lý thì tà tâm, mù quáng. Muốn cho cái đức được toả sáng cần phải hiểu biết sâu rộng và thực hành luân lý.
Luân lý khác lý lẽ, triết lý, lề luật, pháp luật, nó không ràng buộc ai, không bắt buộc ai, tự nó thăng tiến tồn tại.
Lấy luân lý mà đánh giá cái tâm, đo bề dày bề rộng của Đức.

Hoàng Văn Tuyên

3 nhận xét:

  1. Trả lời
    1. Cảm ơn Anh vẫn mãi bên em. Ước ngày hội ngộ được gặp Anh Chị.

      Xóa
  2. Đầu xuân đọc bài viết của anh thật ý nghĩa. Ước gì trên thế gian này tất cả mọi người đều hiểu được điều này thì cuộc đời này sẽ hp biết bao bao. Ngày mới chúc anh vui!

    Trả lờiXóa

Xin cảm ơn! Nếu có chậm trễ xin cảm thông!